Làm gì khi chồng tính toán với nhà vợ?

7:54,Thursday, July 24th, 2014

Chuyện “nhà nội”, “nhà ngoại”, “nhất bên trọng nhất bên khinh” không hề hiếm trong thời đại hiện nay bởi các gia đình trẻ có xu hướng ra ở riêng và vai trò của bên nội bên ngoại trở nên cân bằng hơn. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp sự tính toán chi li của một phía làm sứt mẻ tình cảm gia đình ít nhiều. Chuyện ông xã “sính nội” cũng là điều rất phổ biến mà không ít chị em gặp phải:

Làm gì khi chồng tính toán với nhà vợ? - Gia Đình - Tình Yêu - Câu chuyện gia đình - Hôn nhân & Gia đình

Chồng tính toán với nhà ngoại

Anh Hà chị Mỹ đã sống với nhau hơn 10 năm và đã có 2 mặt con, nhưng khổ nỗi anh Hà là “trùm tính toán” với gia đình bên vợ. Cứ mỗi lần năm hết Tết đến là chị Mỹ lại đau đầu về chuyện quà cáp biếu ông bà nội ngoại. Thường thì phụ nữ là người đảm đương công việc này, từ việc dự toán cho đến mua sắm cũng như cân đối ngân sách chi tiêu. Nhưng anh Hà thì rất “chịu khó” giúp vợ khoản này và kiêm luôn khoản chia, anh phân công rất rõ ràng: “Phần này ông bà nội, phần kia ông bà ngoại…”. Tết năm nay có lẽ quá tay chia lệch quá nhiều, đứa con gái lớn học lớp 4 của anh chị nhanh nhàu: “sao năm nay ông bà nội lại nhiều thế hả bố?” mà hình như năm nào ông bà nội cũng nhiều hơn. Chị Mỹ điếng người nhưng ông xã thì vẫn tỉnh bơ: “con thì biết cái gì”…

Chuyện quà cáp đã đành, nhưng chuyện trách nhiệm với gia đình vợ cũng được anh Hà tính toán rất chi li. Mỗi khi ông bà ngoại cần đóng góp để giỗ chạp, xây sửa ở quê hàng năm thì anh rất thờ ơ: “đây là việc con trai, chứ anh con rể thì có vai trò gì”. Ngay cả việc ông bà vay tiền để sửa nhà cũng bị anh con rể khéo léo từ chối: “con đầu tư vào kinh doanh hết rồi, ông bà hỏi các cậu các dì đi”… trong khi ông em đồng hao thì lúc nào cũng nhiệt tình với nhà vợ. Biết ông con rể như vậy nên đâm ra nhà chị Mỹ cũng chán, có việc đại sự gì cũng chẳng muốn ông con rể tham gia hay giúp đỡ nữa.

Về phía chị Mỹ là trưởng nữ trong nhà, nhưng nhiều lần mất mặt với bố mẹ đẻ vì cái sự tính toán của ông chồng nên đâm ra trở nên hay khó chịu càu nhàu, chuyện quà cáp nọ kia thì ông bà cũng không biết nên có thể bỏ qua vì cái này tùy tâm, nhưng chuyện đóng góp mà so bì với các em thì buồn cười quá. Nhiều khi chị âm thầm để ý xem thật sự ông chồng có đầu tư vào đâu không, nhưng thật ra có tiền nhưng chẳng đầu tư gì cả. Chị phàn nàn với anh Hà thì nhận được câu trả lời rất khó chịu: “em đàn bà biết cái gì, nhà mình đâu có khá như các cậu các dì, phải để tiền lo cho các con chứ, mà ông bà lâu này có đòi hỏi gì đâu…”

Nhiều năm sống với ông chồng mà cấp độ “tính toán” cứ tăng theo thời gian đâm ra chị Mỹ cũng hay cự nự, tranh cãi và nhiều khi “ưu tiên” hẳn cho bên ngoại hơn, hạnh phúc gia đình nhỏ ít nhiều có sự xáo trộn vì trách nhiệm của vợ với nhà nội và chồng với nhà ngoại cứ nhạt dần…

Chồng thiên vị nhà nội

Trường hợp chị Hoa còn mệt mỏi hơn bởi ông chồng coi nhà ngoại là “nhà người ta”. Trong gia đình bất kể cái gì, công việc gì cũng phải ưu tiên cho nhà nội hết. Nhiều lúc chị rất muốn biếu bố mẹ cái này, hoặc đôi khi chỉ là một vài loại thực phẩm chức năng bổ dưỡng của ngoại nhưng bị anh Sang gạt đi không thương tiếc. Với anh, họ nội mới là nhất bởi cung Phúc đức là “ăn theo bên nội”. Chị vốn là người hiền lành và ngại va chạm, nên chồng yêu cầu thế nào cũng đành nghe và được thể ông chồng càng làm quá. Việc trong họ ngoại thì anh Sang luôn coi không phải việc của mình, nhưng bên họ nội thì anh nhiệt tình giúp đỡ, thậm chí họ hàng xa lắc xa lơ cũng cho ăn ở cùng trong nhà đến mấy tháng “để tiết kiệm cho họ”. Mỗi lần về quê chồng là mỗi lần anh Sang lên mặt “ta đây có điều kiện” và ở thành phố về nên quà cáp, biếu xén không tiếc tay làm chị xót hết cả ruột khi nghĩ về gia đình mình. Không những vậy, mỗi lần về quê, giỗ chạp là chị phải quán xuyến hết, còn ông chồng thì tha hồ nhậu và thao thao về vai trò của mình trong nhà…

Lâu dần hiểu tính chồng, chị Hoa không bàn bạc nữa mà cứ âm thầm hoàn thành trách nhiệm với gia đình nhà ngoại, thậm chí có mua gì cho bố mẹ hay giúp gì anh chị em là chị cứ lẳng lặng mà làm. Cách nhìn của chị với gia đình nhà chồng cũng dần dần không còn thoải mái nữa dù rằng chị vẫn hoàn thành hết trách nhiệm với nhà nội.

Làm gì khi chồng “sính nội”

Ai cũng muốn quan tâm đến bố mẹ đẻ nhiều, đây là lẽ thường tình bởi công ơn sinh thành, nhưng nếu người vợ cũng cự nự “sính ngoại” cho chồng biết tay như chị Mỹ thì thường rất dễ gây căng thẳng, bất mãn và tác động mạnh tới hạnh phúc của tổ ấm. Trong khi đó cách làm của chị Hoa “áo gấm đi đêm” lại gây sự bức xúc trong chính chị mà không thể giải tỏa, lâu dần sẽ dẫn tới trầm cảm và mất sự tin tưởng lẫn nhau. Tìm biện pháp dung hòa mối quan hệ giữa hai bên một cách khéo léo là điều mà các chị em nên hướng tới, nhất là tìm cách tác động vào tính sĩ diện của đàn ông để thấy họ có vai trò to lớn hơn đối với nhà ngoại.

Một phương án khác đó là phân công rõ ràng về mặt trách nhiệm ngay từ khi mới cưới để tránh việc trong nhà có người “sính nội” hay “sính ngoại”, từ đó vợ chồng đều cùng có trách nhiệm đối với cả hai bên như nhau và cùng giữ gìn hạnh phúc cho gia đình nhỏ.


Gửi bình luận

Free download code | Tự học lập trình HTML | Tự học lập trình PHP | Tự học lập trình CSS | Tự học lập trình Jquery