Chi tiền học thai giáo
Trên các diễn đàn mẹ bầu, thai giáo trở thành chủ đề nhiều mẹ quan tâm và bàn bạc. Chị Nguyễn Thùy Dung – 24 tuổi, Hà Nội mang thai lần đầu tâm sự, từ khi mang thai 5 tuần, chị đã tìm hiểu về thai giáo. Khi được 13 tuần, chị Dung đã mua khóa học thai giáo trị giá 800 nghìn đồng. Khóa học online bao gồm sách và video hướng dẫn.
Về nhà, vợ chồng chị Dung rất vui và luôn cố gắng làm đúng giáo trình với hi vọng có thể giúp con thông minh từ trứng nước.
Không riêng gì chị Dung, thai giáo là từ khóa tìm kiếm rất nhiều trên mạng xã hội. Các mẹ bầu đều cố gắng tìm kiếm thông tin về thai giáo để con mình được phát triển tốt nhất.
Vừa biết mình mang bầu, chị Đỗ Thị Hào – thành phố Hải Dương đã nghĩ ngay tới thai giáo. Chị Hào kể khi đó chị liên hệ tới một hội nhóm thai giáo. Vào tham gia diễn đàn càng đọc chị càng thích thú nên cố gắng theo thai giáo cho con tốt nhất…
Mẹ bầu sốt xình xịch với thai giáo có thực sự tốt
Chồng chị Hào ban đầu còn e dè nhưng vì chiều vợ và cũng tin rằng thai giáo thì IQ của con sẽ cao nên anh cũng tập cách trò chuyện với con nhiều hơn. Mỗi ngày, hai vợ chồng đều dành 30 – 45 phút trò chuyện cùng con. Khi bé được 25 tuần, ba lần/tuần chị lấy đèn pin soi vào bụng để cho bé cảm nhận ánh sáng bên ngoài dần dần. Chiếc đèn pin đặc biệt này cũng được mẹ bầu chia sẻ mua với giá tiền triệu vì ánh sáng phù hợp với ánh sáng của thai nhi nên đắt đỏ.
Không chỉ thai giáo tác động trực tiếp từ bên ngoài bằng âm thanh, mà còn những cái xoa bụng, thai giáo thị giác. Chị Hào còn thai giáo gián tiếp. Chị tìm kiếm các thực phẩm tốt nhất cho thai nhi, giàu DHA, Axit folic.
Có cần thai giáo?
TS BS Nguyễn Hữu Trung – giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết anh cũng thường xuyên gặp các mẹ bầu xin chia sẻ về thai giáo. Theo BS Trung, đó là quan điểm của từng người nên bác sĩ cũng không dám đưa ra lời khuyên cho các mẹ bầu.
Tuy nhiên, bác sĩ Trung cho rằng xưa nay ông bà chúng ta thường hay nói: “Dạy con từ thuở lên ba…”. Đây không phải là câu nói ngẫu nhiên mà vì khi trẻ lên ba, trẻ mới có thể hiểu được những cái gì mà cha mẹ, người lớn nói. Trước đó, trẻ không thể hiểu được mà chỉ thể hiện những cảm xúc khi được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu. Ví dụ: đói bụng thì khóc, được ăn no thì hết khóc và tươi cười. Đi tiểu xong, áo quần ướt gây khó chịu thì trẻ khóc. Sau khi được thay đồ xong thì hết khóc và tươi cười….Đó là các nhu cầu tự nhiên của trẻ.
Còn khi là bào thai trong bụng người mẹ, trẻ có cảm xúc theo cảm xúc của người mẹ. Những cảm xúc vui buồn, nóng giận, xúc động của người mẹ làm thay đổi nồng độ một số nội tiết tố của người mẹ, cũng ảnh hưởng đến những cảm xúc của thai nhi theo chiều tích cực hay tiêu cực. Một số quan điểm cho rằng cho bé nghe nhạc giao hưởng cũng tác động tích cực đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu cho bé nghe nhạc đồng thời người mẹ cũng phải hòa cùng những giai điệu du dương thì mới có thể có tác động tích cực cho thai. Còn cho bé nghe nhạc đó nhưng người mẹ vẫn nghĩ đến những chuyện khác của xã hội, những “cơm, áo, gạo, tiền”, những bực bội trong người… thì không thể có hiệu quả.
Đối với chuyện thai giáo, bác sĩ Trung cho biết hiện nay trên thế giới này có hơn 100 ngôn ngữ, thai nhi sẽ hiểu ngôn ngữ nào để mà “thai giáo”. Ngoài ra, những trường hợp mang thai hộ thì sẽ “thai giáo” bằng ngôn ngữ của người mang thai hộ hay người nhờ mang thai.
Để thai nhi khỏe mạnh, bác sĩ Trung cho rằng các mẹ bầu chỉ cần chú ý lúc đang mang thai suy nghĩ đến những điều tích cực là thai nhi sẽ cảm nhận được những điều tích cực rồi. Hãy nhìn những bức tranh, nghe nhạc, xem những bộ phim tình cảm hay đi du lịch, nghỉ ngơi thư giãn, sức khỏe người mẹ tốt thì đứa trẻ sẽ tốt mà không cần một khóa thai giáo nào.