Ngô Văn Kiều là cái tên quá đỗi quen thuộc với làng thể thao nói chung và bóng chuyền Việt Nam nói riêng. Anh từng là chủ công, đội trưởng ĐT bóng chuyền nam Việt Nam với biệt danh “Oanh tạc cơ”. Cao 1m96, có tầm vóc và thể lực thiên bẩm, Ngô Văn Kiều sinh ra như thể để chơi bóng chuyền.
“Oanh tạc cơ” từng huỷ diệt người Thái
SEA Games 24 do Thái Lan đăng cai năm 2007, bóng chuyền nam Việt Nam tham dự với mục tiêu khiêm tốn: Càng tiến sâu càng tốt. Nhưng dưới sự chèo lái của HLV Nguyễn Mạnh Hùng (giờ đã nghỉ hưu), đặc biệt là màn ra mắt siêu hạng của Ngô Văn Kiều, ĐT Việt Nam đã làm nên kì tích.
Khi ấy, ĐT Thái Lan với toàn hảo thủ, lại được chơi trên sân nhà với sự cổ vũ của hơn 3000 khán giả, đã bị nhấn chìm bởi cái tên Ngô Văn Kiều. ĐT Việt Nam thắng khó tin 3-0, một mình VĐV Ngô Văn Kiều ghi tới 31 điểm (tỷ lệ cao hàng đầu thế giới mà VĐV bóng chuyền ghi được).
“Trận thắng Thái Lan ngày ấy thật quá nhiều cảm xúc. Bây giờ khi nhớ lại thôi, tôi cũng thấy rạo rực. Đó là lần đầu tiên chúng ta thắng Thái Lan trên sân nhà của họ mà lại tại đấu trường SEA Games. Trước đó vài tháng, ĐT Việt Nam cũng thắng họ ở sân Phan Đình Phùng (TPHCM, cúp giao hữu) nhưng không được đánh giá đúng thực lực”, Ngô Văn Kiều nói với phóng viên Dân Việt.
“Chiến thắng đó có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi. Sau trận, toàn đội vào phòng thay đồ nhảy múa, hò hét hơn 10 phút. Tất cả đều không thể tin lại đánh bại Thái Lan mà lại thắng cách biệt đến vậy. Niềm vui lớn lắm”.
Năm đó, tưởng chừng tấm HCV đến gần với ĐT Việt Nam nhưng đáng tiếc, chúng ta lại thua Indonesia ở chung kết. Có lẽ đối thủ đã nghiên cứu Ngô Văn Kiều kĩ lưỡng, và dù vẫn ghi 17 điểm nhưng ĐT Việt Nam không thể giành chiến thắng.
Biệt danh “Oanh tạc cơ” dành cho Ngô Văn Kiều cũng từ đó mà ra. Sau kì SEA Games ấy, Kiều càng đánh càng nâng tầm đẳng cấp. Với sức bật 3m58, VĐV quê Hà Nam sở trường có những cú đập “trời giáng”, đặc biệt sau vạch 3m. Về sau những tên tuổi lẫy lừng như Đào Hữu Uyển, Trần Minh Khang, Lê Hồng Đào đều thừa nhận Ngô Văn Kiều hay hơn mình.
Ngô Văn Kiều quả thật sinh ra để đánh bóng chuyền. Do gia đình khó khăn, Kiều phải bươn trải từ năm 13-14 tuổi. Mãi tới năm 17 tuổi (2001), anh mới tập bóng chuyền tại tuyến năng khiếu nhưng tài năng thiên bẩm cùng sự khổ luyện, đặc biệt được hai chuyên gia Thúc Phong (Khánh Hoà) và Mạnh Hùng (ĐT Việt Nam) kèm cặp nên Kiều nhanh chóng trở thành ngôi sao lớn.
“Kiều đến với bóng chuyền muộn nhưng thuận lợi là mình có chiều cao và chút năng khiếu nên hoà nhập nhanh. Mình ra sinh là con nhà nghèo nên chịu khổ quen, khi bước vào môi trường tập luyện khó khăn, vất vả không làm mình nhụt chí. Chỉ có giai đoạn xa nhà, phải tự lập thì phần nào khiến Kiều buồn lúc đó nhưng rồi mọi thứ cũng ổn và mình tận dụng được cơ hội”, Ngô Văn Kiều chia sẻ về khoảng thời gian đầu vào nghề.
Xuất ngoại – Tự hào nhưng đầy gian khổ
Màn trình diễn siêu hạng của Ngô Văn Kiều tại SEA Games 24 đã gây tiếng vang lớn trong khu vực, hàng loạt các CLB và HLV nước ngoài đã lên tiếng mời anh sang khoác áo. CLB số 1 Indonesia – Samator Group đã nhanh chân liên hệ với phía CLB Khánh Hoà để có được sự phục vụ của tay đập Ngô Văn Kiều.
Trước Ngô Văn Kiều cũng có vài VĐV thể thao xuất ngoại (như Lê Huỳnh Đức của bóng đá), thế nhưng chuyến xuất ngoại của Kiều được ngành thể thao coi là đầu tiên bởi nó thực sự mang tính chuyên môn và có thi đấu thực tế. Mức lương dành cho Kiều thời điểm đó cũng ấn tượng 3000 USD/tháng.
Tuy nhiên quãng thời gian từ 2008-2010 khi thi đấu cho Samator lại vất vả nhất với Ngô Văn Kiều. Bởi lẽ lúc đó anh vẫn thi đấu cho cả Khánh Hoà, và cả ĐT Việt Nam nên phải di chuyển nhiều, mật độ thi đấu dày. “Được xuất ngoại thi đấu rất vui và tự hào nhưng quãng thời gian ấy (2008-2010) thật sự khó khăn”, Ngô Văn Kiều nhớ lại.
“Việc phải thi đấu quá nhiều khiến tôi không có thời gian nghỉ ngơi nên hay bị chấn thương. Nhưng dù sao đó cũng là khoảng thời gian đẹp”.
Cũng trong năm 2008, Ngô Văn Kiều lên đỉnh cao với Khánh Hoà. Đội bóng thành phố biển mới thăng hạng nhưng có Ngô Văn Kiều trong đội hình, họ đã “san bằng tất cả”. Khánh Hoà toàn thắng 12 trận, kể cả trước Thể Công và Kiều thì cứ nhảy lên là ghi điểm – hiệu suất trung bình 17 điểm/trận.
Ngô Văn Kiều ngày nay
“Bây giờ, tôi đang là HLV phó của đội Khánh Hoà. Từ làm VĐV đến công tác huấn luyện tất nhiên có khác nhau nhưng mình đi lên từ VĐV thì sẽ thấu hiểu và gần gũi anh em hơn”, Ngô Văn Kiều chia sẻ.
Giống như một số VĐV xuất sắc trong làng bóng chuyền Việt Nam là Phạm Kim Huệ hay Phạm Thị Yến, Bùi Thị Huệ ở nữ, Ngô Văn Kiều chọn theo con đường công tác huấn luyện. Tất nhiên những VĐV bây giờ sẽ nhìn vào hình ảnh trên sân của những huyền thoại ấy để noi theo, và với riêng Ngô Văn Kiều, anh không chỉ tài năng mà còn đầy nghị lực và hoàn hảo.
Ngô Văn Kiều yêu và lấy đồng nghiệp Trương Thị Phương Anh vào năm 2013, đến giờ họ đã có 2 con. “Chúng tôi đến với nhau là duyên số, cũng có 4 năm yêu nhau rồi mới đi đến lập gia đình. Hiện giờ, gia đình tôi ở Nha Trang với cuộc sống ổn định và hạnh phúc”, Ngô Văn Kiều nói.
Khi được hỏi thêm về bóng chuyền Việt Nam hiện tại, “Oanh tạc cơ” sinh năm 1984 bộc bạch: “Bóng chuyền Việt Nam cần phải cải thiện nhiều hơn nữa để đạt thành tích cao. Thực sự chúng ta có nhiều VĐV giỏi, chất lượng nhưng cách làm của bóng chuyền Việt Nam chưa phù hợp nên cứ ở mức độ vậy”.
Ngô Văn Kiều
Ngày sinh: 25-3-1984
Ngô Văn Kiều
Ngày sinh: 25-3-1984
Biệt danh: Oanh tạc cơ
Nơi sinh: Hà Nam
Quốc tịch: Việt Nam
Vị trí: Chủ công
CLB: Sanest Khánh Hoà
Chiều cao: 1m96
Tầm đánh: 3m58
Tầm chắn: 3m40
Cân nặng 79
Thành tích:
Vô địch Cúp Hùng Vương 2016
Siêu Cúp Đạm Cà Mau
HCB SEA Games 2007
Ngô Văn Kiều
Ngày sinh: 25-3-1984
Biệt danh: Oanh tạc cơ
Nơi sinh: Hà Nam
Quốc tịch: Việt Nam
Vị trí: Chủ công
CLB: Sanest Khánh Hoà
Chiều cao: 1m96
Tầm đánh: 3m58
Tầm chắn: 3m40
Cân nặng 79
Thành tích:
Vô địch Cúp Hùng Vương 2016
Siêu Cúp Đạm Cà Mau
HCB SEA Games 2007
Ngô Văn Kiều
Ngày sinh: 25-3-1984
Biệt danh: Oanh tạc cơ
Nơi sinh: Hà Nam
Quốc tịch: Việt Nam
Vị trí: Chủ công
CLB: Sanest Khánh Hoà
Chiều cao: 1m96
Tầm đánh: 3m58
Tầm chắn: 3m40
Cân nặng 79
Thành tích:
Vô địch Cúp Hùng Vương 2016
Siêu Cúp Đạm Cà Mau
HCB SEA Games 2007
Vô địch QG 2008, 2017