Giúp mẹ bầu đẩy lùi các bệnh về mũi, họng

3:58,Thursday, March 13th, 2014

Khi mang bầu, sức đề kháng giảm khiến mẹ bầu rất dễ mắc các triệu chứng về đường hô hấp.

1. Khô, ngạt mũi

Hiện tượng này thường xuất hiện trong giai đoạn từ tuần 16-20 của thai kỳ. Sự gia tăng lưu lượng máu trong toàn cơ thể dẫn tới việc các mạch máu ti li trong màng mũi bị sưng phù khiến đường thở bị thu hẹp.

Đây không phải là một bệnh nhưng có thể gây khó chịu cho mẹ bầu. Đồng thời nếu các triệu chứng khô, ngạt mũi trong thai kỳ không được điều trị và để kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh hô hấp nặng hơn như viêm xoang, viêm phế quản… và ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi.

Biện pháp khắc phục:

– Sử dụng tinh dầu xông hơi: mẹ bầu có thể sử dụng một vài giọt tinh dầu cúc La Mã hoặc tinh dầu bạch đàn nhỏ vào bát nước nóng để xông mũi. Rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi sạch sẽ.

– Uống đủ nước mỗi ngày. Khi ngủ nên nằm cao gối.

– Giữ không khí trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ luôn thông thoáng, sạch sẽ. Vào mùa lạnh đảm bảo phòng luôn ấm, nhiệt độ hợp lý, có thể đặt máy làm ẩm không khí trong phòng.

– Tránh xa các nguy cơ gây kích thích như khói thuốc lá, bụi đường, mùi hóa chất….

2. Ngủ ngáy

Trong quá trình mang thai các mạch máu giãn nở, màng mũi có thể sưng lên làm cản trở quá trình hô hấp và dẫn đến bị ngáy ngủ.  Ngoài ra việc rối loạn thở khi ngủ cũng dẫn tới hiện tượng thường xuyên ngủ ngáy.

Bà mẹ mang thai ngủ ngáy ở mức độ 3-4 đếm/tuần thì nhiều nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim hơn so với những thai phụ bình thường.

Ngoài ra, một số nghiên cứu y học trên thế giới cũng cho thấy thói quen ngáy ngủ ở mẹ bầu có liên quan rất lớn đến nguy cơ sinh con nhẹ cân và sinh mổ.

Ngáy ngủ thường xảy ra với phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

Biện pháp khắc phục:

– Mẹ bầu cần giữ cân nặng hợp lý. Nên tập thể dục thường xuyên để vừa giảm cân lại cung cấp đủ oxy cho não.

– Không nên ăn quá no trước khi đi ngủ.

– Khi đi ngủ, mẹ bầu nên nằm nghiêng và gối cao đầu để thở dễ dàng hơn.

– Nếu bạn có các vấn đề về viêm mũi dị ứng thì cần điều trị tích cực và chữa dứt điểm.

Mang bầu sao mũi, họng cứ “đình công” - 1
Sức đề kháng giảm khiến mẹ bầu rất dễ bị bệnh về đường hô hấp. (ảnh minh họa)

3. Co thắt ngực

Đau thắt ngực, đau tức vùng ngực hay co thắt ngực đều là những hiện tượng chị em thường gặp phải khi mang thai. Nguyên nhân là do sự thay đổi của tuyến nội tiết làm gia tăng lưu lượng máu trong cơ thể, làm thay đổi các mô cơ vùng ngực, điều này khiến ngực của chị em trông to hơn, đau cứng và “nhạy cảm” hơn khi chạm phải. Cảm giác đau tức ngực lúc này có phần giống với hiện tượng đau ngực trước kỳ kinh nhưng nó có xu hướng đau nặng hơn nhiều.

Ngoài ra, thai phụ có dấu hiệu kèm theo như tức ngực và ợ nóng do thực quản lúc này bị co hẹp lại. Khi đó, axit ở dạ dày có thể trào ngược lại thực quản gây mùi chua.

Sự phát triển của thai nhi theo thời gian cũng chèn ép đến cơ hoành và dạ dày gây đau ngực.

Biện pháp khắc phục:

Mẹ bầu nên chia nhỏ ăn làm nhiều bữa trong ngày. Không nên ăn các loại đồ ăn có nhiều gia vị, dầu mỡ.

Nên uống nhiều nước.

Thay đổi kích cỡ áo ngực theo từng giai đoạn của thai kỳ do bầu ngực tăng kích thước.

4. Viêm mũi dị ứng

Triệu chứng:

– Chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi. Các dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng sớm hoặc khi mẹ bầu tiếp xúc với các yếu tố kích thích như mùi thơm, không khí lạnh, khói, bụi.

Điều trị:

Phụ nữ có thai bị viêm mũi dị ứng chỉ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh hàng ngày. Tuy nhiên, việc này chỉ làm giảm các triệu chứng của bệnh chứ không chữa trị hoàn toàn. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ chuyên khoa có thể kê cho mẹ bầu các loại thuốc điều trị sử dụng được cho thai phụ mà không gây ra tác dụng phụ cho em bé.

Mẹ bầu bị viêm mũi dị ứng không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, tuy nhiên chị em cần lưu ý giữ gìn sức khỏe để tránh bị cảm cúm, vì đây mới chính là nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh cho nhiều thai nhi.

Trong trường hợp bệnh nặng, kéo dài, mẹ bầu cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và thăm khám cụ thể, đồng thời chữa trị triệt để.

5. Hen phế quản

Số bà mẹ mang thai bị hen phế quản hiện nay chiếm 4-8%, có thể do trước đó đã bị bệnh hoặc biến chứng đường hô hấp trên.

Mẹ bầu bị hen phế quản cần phân biệt các triệu chứng bị bệnh và các tình trạng hay gặp khi mang thai như khó thở, ho do trào ngược, viêm thanh quản…

Chị em thấy khó thở vùng ngực, phổi có tiếng rít, có cảm giác tắc nghẽn đường thở. Khi xét nghiệm khí máu thấy có sự giảm nồng độ O2 và CO2.

Hậu quả:

Thai phụ bị hen phế quản nếu kiểm soát tốt căn bệnh thì việc sinh nở vẫn thuận lợi, thai nhi không gặp biến chứng. Tuy nhiên, nguy cơ bị các biến chứng sản khoa vẫn cao hơn so với bình thường.

– Tăng huyết áp và tiền sản giật

– Sinh non

– Mổ lấy thai

Biện pháp khắc phục:

Mẹ bầu có tiền sử bị hen phế quản cần có chế độ chăm sóc sức khỏe trước khi đậu thai một cách khoa học. Cụ thể nên bổ sung đầy đủ 400 mg axit folic mỗi ngày để hạn chế khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, hút thuốc thụ động trước và trong thời gian mang thai.

Sử dụng thuốc điều trị đầy đủ theo đúng yêu cầu của thầy thuốc chuyên khoa.


Gửi bình luận

Free download code | Tự học lập trình HTML | Tự học lập trình PHP | Tự học lập trình CSS | Tự học lập trình Jquery